Hướng dẫn cách lắp camera có dây từ A-Z cho người mới bắt đầu
Tổng quan về cách lắp camera có dây
Tìm hiểu về hệ thống camera là gì?
Hệ thống camera bao gồm những thành phần chính như sau:
- Camera: đặt tại các điểm cần kiểm soát an ninh, kết nối về đầu ghi.
- Đầu ghi hình: thiết bị có chức năng cho phép ghi lại toàn bộ hình ảnh, theo dõi hình ảnh hoặc video thời gian thực. Đồng thời đầu ghi cho phép truy xuất lại dữ liệu hình ảnh trước đó (thời gian tuỳ thuộc vào dung lượng ổ cứng lưu được bao nhiêu ngày).
- Ổ cứng: thiết bị chuyên dùng lưu trữ video (hình ảnh & âm thanh). Ổ cứng camera khác với các loại ổ cứng máy tính thông thường vì có tốc độ ghi & đọc rất cao.
- Thẻ nhớ: chỉ sử dụng khi dùng camera wifi không đi dây và hệ thống không sử dụng đầu ghi. Thẻ nhớ là loại chuyên dụng tốc độ cao, gắn vào bên trong camera.
- Hệ thống dây tín hiệu & dây nguồn: kết nối tín hiệu từ các camera về đầu ghi. Dây nguồn dùng để cấp nguồn 12V cho camera. Ngoài ra còn có các đầu Jack kết nối tín hiệu (đầu jack BNC hoặc đầu jack RJ45).
- Màn hình: dùng để xem video thời gian thực tại chỗ, thường đặt vị trí gần đầu ghi.
- Phần mềm xem camera: là phần mềm cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại. Dùng để xem hình ảnh và âm thanh thời gian thực (nếu camera có hỗ trợ ghi âm) .
Ngoài ra, để có thể xem camera từ bên ngoài thì hệ thống camera cần được kết nối internet thông qua 1 thiết bị gọi là router (bộ định tuyến). Router là thiết bị mà nhà mạng cung cấp khi bạn đăng ký dịch vụ internet. Có 2 dạng router phổ biến đó là router thường (không có wifi) và router có wifi (thường có ăng-ten).
Sơ đồ kết nối hệ thống camera
Nắm vững mô hình kết nối hệ thống camera sẽ giúp quý khách hiểu cách thiết lập và kết nối giữa đầu ghi, camera và các thiết bị trong hệ thống mạng.
Để nắm rõ phần hướng dẫn tự lắp camera tại nhà này, các bạn cần tìm hiểu thật kỹ sơ đồ kết nối camera có dây như sau:
THIẾT KẾ SƠ ĐỒ CAMERA CÓ DÂY CẦN ĐẢM BẢO:
- Các thiết bị trong hệ thống tương thích về mặt kỹ thuật. Ví dụ: camera có độ phân giải Full HD phải sử dụng đầu ghi tương thích có khả năng xử lý hình ảnh Full HD hoặc cao hơn. Camera có ngõ âm thanh hoặc chức năng báo động cần phải thiết kế trên đầu ghi hỗ trợ âm thanh, báo động…
- Các chuẩn kết nối giữa camera – đầu ghi và các thiết bị phải đồng bộ. Ví dụ: camera analog phải kết nối với đầu ghi analog.
- Phương án triển khai thi công phải khả thi. Dựa trên việc khảo sát địa hình trước khi thiết kế sơ đồ hướng dẫn lắp camera có dây và biện pháp thi công…
- Tối ưu giá thành. Sơ đồ, bản vẽ chi tiết cách lắp camera cần được xem xét tối ưu về giá thành các thiết bị như camera, đầu ghi, loại dây tín hiệu camera… nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng tốt mục đích sử dụng hệ thống camera, độ bền và chất lượng.
Những điều bạn cần biết khi tìm hiểu cách lắp camera có dây
Khái niệm cách lắp camera (có dây) không đơn giản chỉ là việc thi công, cài đặt camera. Tuỳ từng mục đích & đối tượng sử dụng (chẳng hạn như bạn là người dùng gia đình, văn phòng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện, khách sạn, resort, nhà hàng… hay cửa hàng, shop, quán ăn, quán cafe) mà cách tự lắp camera có dây sẽ thay đổi theo từng phương án thiết kế và thi công camera sẽ rất khác nhau.
Vì vậy, trừ khi bạn chỉ gắn 1-2 camera và không cần đầu ghi, không cần set up hệ thống, phạm trù “hướng dẫn lắp camera” cần được hiểu rộng hơn. Nó bao gồm những công đoạn như sau:
- #1. Công tác khảo sát, chọn lựa thiết bị (*): khảo sát chọn lựa loại camera, đầu ghi, ổ cứng, màn hình nào phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng.
- #2. Thiết kế phương án kỹ thuật (*): sơ đồ hoặc mô hình kết nối của hệ thống camera; Chọn hệ thống kết nối không dây hay có dây; Cách thức thiết lập cấu hình kỹ thuật trên đầu ghi, camera, phần mềm điều khiển. Vị trí của từng camera, vị trí đặt để đầu ghi, màn hình, vị trí và khoảng cách chiều dài kéo dây có phù hợp hay không.. (bao gồm cả dây tín hiệu và dây nguồn).
- #3. Công tác triển khai và thi công: là các công đoạn thiên về hướng dẫn thi công, hướng dẫn cách lắp đặt hệ thống camera. (Đây là nội dung chính của bài viết này)
Lưu ý về cách lắp camera có dây:
(*) Nếu như ở phần #1 và phần #2 (khảo sát, chọn lựa & sơ đồ hệ thống camera) không được chuẩn bị tốt thì công tác thi công thực tế sẽ không phát huy hết công dụng của nó.
Chẳng hạn hệ thống camera không đáp ứng tốt nhu cầu, thừa hoặc thiếu chức năng, không đảm bảo nhu cầu sử dụng. Hoặc có thể hệ thống về sau khó nâng cấp, dữ liệu không lưu trữ đúng, khi sự cố xảy ra thì truy xuất lại không được…
Vì vậy nếu bạn là người mới muốn tự tìm hiểu hướng dẫn lắp đặt 1 hệ thống camera cho mình, sẽ tốt hơn nếu bạn nhờ đến sự tư vấn & hỗ trợ của người bán – Trước khi quyết định chọn loại camera nào phù hợp với nhu cầu của mình.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi tập trung chủ yếu vào phần #3 (việc triển khai thi công & hướng dẫn tự lắp camera tại nhà).
Những nội dung tiếp theo được trình bày trong ngữ cảnh xem như chúng ta đã làm tốt khâu số #1&2 rồi nhé các bạn.
.>> Xem thêm: Tư vấn chọn mua camera loại nào tốt?
Hướng dẫn cách lắp camera có dây (chi tiết)
Trình tự các bước & cách lắp đặt hệ thống camera (có dây)
Trước khi đi vào phần chi tiết, dưới đây là các bước tóm tắt cách lắp đặt 1 hệ thống camera mà các bạn cần nắm qua trước:
>>> TÓM TẮT CÁC BƯỚC TỰ LẮP CAMERA TẠI NHÀ <<<
- Bước 1: Chuẩn bị. Bao gồm việc chuẩn bị thiết bị, chuẩn bị vật tư thi công và các công cụ, dụng cụ trong quá trình thi công.
- Bước 2: Kiểm tra & chạy thử hệ thống. Cho hệ thống chạy thử nhằm chắc chắc mọi thứ đều tốt đẹp trước khi thi công.
- Bước 3: Cố định camera, đầu ghi và màn hình vào vị trí.
- Bước 4: Đi hệ thống dây tín hiệu & dây nguồn.
- Bước 5: Đấu nối các đầu cáp tín hiệu và Jack nguồn.
- Bước 6: Vận hành hệ thống & kiểm tra lần cuối.
- Bước 7: Cố định lại toàn bộ các đường cáp & thu gom rác.
- Bước 8: Cách cài đặt đầu ghi xem camera qua internet không cần tên miền.
- Bước 9: Cách cài đặt phần mềm điện thoại xem camera từ xa.
Phần tiếp theo chúng ta sẽ cùng bước vào nội dung các bước chi tiết hướng dẫn lắp đặt 1 hệ thống camera hoàn chỉnh.
KHOAN HÃY VỘI !
Rất cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Trước khi bước vào hành trình cùng tôi khám phá cách tự lắp đặt 1 hệ thống camera hoàn chỉnh, tôi muốn bạn hãy thật sự thư giãn.
Hãy chuẩn bị cho mình 1 tách cafe sữa nóng, thưởng thức hương vị cafe thơm ngon trong khi đang đọc những nội dung bên dưới.
Và chắc hẳn rằng, những giọt cafe thơm ngon – hòa quyện với hương sữa ngọt ngào sẽ hỗ trợ bạn xua đi những căng thẳng trước khi bước vào chi tiết nội dung không dễ tiêu hóa và đậm chất kỹ thuật này. Chúc các bạn thành công !
Ok. Bây giờ chúng ta bắt đầu !
Bước 1. Chuẩn bị trước khi vào bước hướng dẫn cách lắp camera có đi dây
Để có thể tự biết cách lắp đặt một hệ thống camera bất kỳ nào, thì khâu chuẩn bị là cực kỳ quan trọng. Khâu chuẩn bị trước khi lắp đặt sẽ giúp các bạn có những phương án cần thiết cũng khi các phương án dự phòng trước khi đến thi công tại hiện trường.
Ngoài ra bước chuẩn bị còn giúp các bạn tiết kiệm nhiều thời gian, giảm thiểu những rủi ro cũng như những bị động về nhân sự, bị động về thiết bị, bị động về vật tư phụ… Giúp các bạn chuẩn bị đủ các công cụ / dụng cụ cần thiết, tránh làm phát sinh thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thi công hệ thống camera.
1. Chuẩn bị các thiết bị camera chính
- Camera: chọn loại camera phù hợp với mục đích sử dụng, chọn đúng tiêu cự, góc độ, khoảng cách, khoảng cách hồng ngoại, độ phân giải, chuẩn camera IP hay camera analog.
- Đầu ghi: phù hợp với chuẩn camera đang sử dụng và có số lượng ít nhất bằng số lượng camera trong hệ thống.
- Ổ cứng (HDD): phù hợp với thời gian cần lưu trữ, chúng tôi khuyên bạn nên chọn các dòng ổ cứng Seagate Skyhawk hoặc Western Digital WD Purple (có hiệu năng gấp 3 lần so với ổ cứng máy tính thông thường).
- Màn hình TV: nên chọn màn hình có hỗ trợ cổng HDMI vì hầu hết các đầu ghi đời mới đều hỗ trợ kết nối HDMI với màn hình Tivi LCD. Hoặc có thể sử dụng màn hình laptop có cổng HDMI.
2. Chuẩn bị các vật tư phụ
Bộ nguồn (adaptor) cho camera:
Đây là là vật tư mà những người mới tập thành tự học cách lắp camera (có dây) thường hay quên mua. Các camera chuyên dụng thường không đi kèm bộ nguồn mà chúng ta phải mua riêng.
Có 2 loại nguồn thường sử dụng cho camera:
- Nguồn 12V 1A: thường dùng cho các camera công suất thấp nhỏ.
- Nguồn 12V 1.5A: thường dùng cho các camera công suất trung bình.
- Nguồn 12V 2A: thường dùng cho các dòng camera công suất cao.
Mẹo: hãy hỏi người bán hoặc xem thông số kỹ thuật ghi trên camera để chọn mua loại nguồn thích hợp. Các loại nguồn giá rẻ (hàng trôi nổi) trên thị trường thường rất dễ bị cháy, chạm chậm sau một thời gian ngắn sử dụng.
Về số lượng: dĩ nhiên, có bao nhiêu camera thì chúng ta chuẩn bị bấy nhiêu bộ nguồn tương ứng nhé các bạn.
Bộ nguồn (adaptor) cho đầu ghi:
Thường đi chung với đầu ghi (có sẵn khi mua đầu ghi) nên bạn không cần phải mua thêm.
Chuột (mouse):
Dùng để điều khiển đầu ghi, cài đặt và chỉnh sửa các thiết lập trên đầu ghi.
Dây nguồn 12V:
Về độ dài: chuẩn bị 1 cuộn dây nguồn có độ dài bằng tổng khoảng cách từ các camera đến đầu ghi. Ví dụ hệ thống có 04 camera, mỗi camera cách xa đầu ghi là 10m => Bạn cần chuẩn bị 40m dây nguồn.
Về quy cách: nên chọn loại dây nguồn đỏ đen có ruột lớn, vỏ cách điện dày, chắn chắn.
Khi dẫn nguồn 12V đi xa bạn hãy chọn loại dây thật tốt để tránh tín hiệu nguồn bị sụt áp, gây hiện tượng tín hiệu của camera bị chập chờn, nhiễu tín hiệu.
Không nên dẫn nguồn 12V đi xa hơn 20m. Khi đó bạn nên chọn 1 vị trí lấy nguồn ở gần camera hơn để không gây sụt áp, nhiễu tín hiệu cho camera.
Dây cáp tín hiệu:
Chuẩn bị dây cáp đồng trục nếu là hệ thống camera analog, và dây cáp mạng Cat5 nếu là hệ thống camera IP. Chú ý khi đi âm tường, âm trần nên dùng loại dây CAT6 để có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuột bọ cắn phá dây.
Cách tính tổng độ dài dây tín hiệu tương tự cách tính dây nguồn 12V ở trên.
Chú ý: nên hạn chế tối đa việc nối dây cáp tín hiệu. Việc nối dây nếu thiếu kinh nghiệm thì thời gian đầu tín hiệu có thể tốt. Nhưng về sau các mối nối có thể bị hoen gỉ (do thấm nước và bị oxy hoá), gây ra hiện tượng tín hiệu dễ bị chập chờn, thiếu ổn định.
Cáp HDMI (hoặc cáp VGA):
Nên chọn cáp HDMI để tín hiệu rõ nét hơn. Cáp HDMI dùng để kết nối từ đầu ghi đến màn hình TV (LCD), nên có độ dài phù hợp với vị trí mà bạn dự định gắn thiết bị.
Các đầu Jack kết nối:
- Jack BNC: nếu là hệ thống camera analog. Jack BNC chuyên dùng để kết nối cáp đồng trục.
- Jack RJ45: nếu là hệ thống camera IP có dây. Jack RJ45 chuyên dùng để kết nối cáp mạng Cat5 hoặc Cat6.
Về số lượng: chuẩn bị số lượng jack gấp đôi số lượng camera. Ví dụ hệ thống có 04 camera thì bạn cần 08 jack kết nối.
Dây gút (lạt nhựa):
- Dùng để cố định hoặc bó chặt các đoạn dây nguồn, dây tín hiệu lại với nhau cho chắn chắc.
- Số lượng: 1 bịch.
Băng keo điện:
Chuẩn bị 01 cuộn băng keo điện loại tốt dùng để quấn cách điện, quấn chống thấm khi đi dây điện, đi dây tín hiệu, quấn chống ẩm các đầu jack kết nối (khi cần thiết).
Tắc kê & ốc vít
Dùng để bắt cố định chân đế camera, giá treo đầu ghi, giá treo màn hình vào tường.
Nẹp điện & băng keo 2 mặt
- Nẹp điện: dùng để bọc ngoài dây nguồn, dây tín hiệu khi đi dây nổi.
- Băng keo 2 mặt: dùng để dán cố định nẹp điện vào tường.
Mẹo: có thể sử dụng thêm ống ruột gà khi đi âm hoặc đi dây ngoài trời.
***Ghi chú quan trọng:
Ngoài các loại vật tư trên, bàn cần chuẩn bị thêm 1 sợi dây mạng và 2 đầu Jack RJ45 để kết nối mạng từ router đến đầu ghi.
Với những bạn mới lần đầu tự tìm hiểu cách lắp camera (hệ thống có dây), đừng ngại chuẩn bị thừa 15% các loại vật tư phụ để dự phòng như: dây nguồn, dây tín hiệu, các đầu jack kết nối. Việc này là cần thiết để giúp các bạn thoải mái và tự tín hơn trong việc thực hành cách lắp camera có dây cho người mới vào nghề.
3. Chuẩn bị công cụ & dụng cụ (đồ nghề)
Kềm bấm đầu cáp
Dùng để bấm các đầu Jack BNC / Jack RJ45.
Kềm cắt và kềm thường
Dùng để cắt dây, bóc tách vỏ dây khi bấm đầu cáp mạng / cáp đồng trục.
Máy khoan bê tông, mũi khoan và búa
Máy khoan: dùng để khoan tường, bắt các chân đế camera, giá treo đầu ghi, giá treo màn hình LCD.
Nên chọn loại mũi khoan 6mm hoặc 7mm để dễ thi công (dĩ nhiên bạn cần chọn mua loại tắc kê & ốc vít tương ứng với mũi khoan).
Búa: sử dụng loại búa nhỏ dùng để đóng tắc kê.
Tua-vít ba-ke
Vặn vít để cố định các chân đế camera, giá treo đầu ghi, giá treo màn hình LCD.
Thang chữ A
Hỗ trợ việc leo cao khi đi dây, khoan & gắn camera & thiết bị.
Tóm tắt những nội dung cần chuẩn bị trước khi vào phần hướng dẫn lắp camera chi tiết:
STT | Nội dung chuẩn bị | Mục đích | Nhóm vật tư |
1 | Camera | Đặt tại các vị trí cần kiểm soát an ninh | Thiết bị chính |
2 | Đầu ghi | Tập trung tín hiệu | |
3 | Ổ cứng (HDD) | Lưu trữ dữ liệu | |
4 | Màn hình TV / LCD | Xem camera / xem lại | |
5 | Nguồn 12V cho camera | Cấp nguồn cho từng camera | Vật tư phụ |
6 | Nguồn 12V cho đầu ghi hình | Cấp nguồn đầu ghi | |
7 | Chuột quang | Điều khiển đầu ghi | |
8 | Dây dẫn điện nguồn | Dẫn nguồn 12V đến camera | |
9 | Dây cáp tín hiệu | Kết nối tín hiệu từ camera về đầu ghi | |
10 | Cáp HDMI | Xuất hình ảnh từ đầu ghi lên màn hình | |
11 | Jack BNC / RJ45 | Nối dây tín hiệu với ngõ vào đầu ghi / camera | |
12 | Dây gút (lạt nhựa) | Cố định dây | |
13 | Băng keo điện | Quấn cách điện, chống thấm nước | |
14 | Tắc kê & ốc vít | Cố định chân đế camera, đầu ghi | |
15 | Nẹp điện & keo dán 2 mặt | Tăng tính thẩm mỹ khi đi dây nổi (hoặc dùng thêm ống ruột gà khi đi âm, đi ngoài trời) | |
16 | Kềm bấm đầu cáp | Bấm các đầu Jack BNC / RJ45 | Đồ nghề |
17 | Kềm cắt & kềm kẹp | Cắt & tuốt dây | |
18 | Máy khoan | Khoan tường bắt chân đế | |
19 | Tua-vít ba-ke | Vặn ốc vít | |
20 | Thang chữ A | Hỗ trợ leo cao |
Bước 2. Kiểm tra camera và đầu ghi
Đây là bước lắp thử hệ thống ở dưới đất để kiểm tra & vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống trước khi vào phần hướng dẫn lắp camera có dây vào đúng vị trí thực tế. Ở bước này bạn sẽ tự làm những đoạn dây tín hiệu ngắn để test trước hệ thống (phần bên dưới chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể hơn).
Mục đích của bước này nhằm đảm bảo hệ thống camera trong tình trạng sẵn sàng hoạt động tốt. Tât nhiên, việc này cũng nhằm hạn chế những rủi ro như lỗi camera, lỗi đầu ghi & ổ cứng, lỗi màn hình, lỗi cáp… và các lỗi phần mềm điều khiển trên đầu ghi.
Kết nối hệ thống camera theo đúng bản vẽ chi tiết sơ đồ hướng dẫn lắp camera có đi dây:
Ghi chú: Đây là bước khá quan trọng đối với các bạn mới cần tự học cách lắp camera có dây.
Ngoài ra, bước này còn giúp các bạn tự tin hơn, vững tâm hơn. Giúp các bạn dễ hình dung bao quát toàn bộ hệ thống camera (và nhận ra những điểm còn thiếu sót) trước bước khi vào phần hướng dẫn lắp hệ thống camera có dây chi tiết bên dưới.
1. Kết nối dây tín hiệu
- Chuẩn bị nhiều đoạn dây tín hiệu ngắn: bạn chuẩn bị các đoạn dây test có chiều dài khoảng 0,5m để chuẩn bị kết nối tất cả các camera về đầu ghi. Bao nhiêu camera thì bấy nhiêu đoạn dây test.
- Bấm 02 đầu Jack (jack BNC hoặc RJ45)
- Kết nối tất cả các camera về đầu ghi, chuẩn bị vận hành thử nghiệm hệ thống camera.
2. Kết nối đầu ghi với màn hình
- Gắn ổ cứng vào đầu ghi.
- Gắn chuột điều khiển vào cổng USB của đầu ghi.
- Kết nối dây HDMI giữa đầu ghi và màn hình TV/LCD. Ở bước này bạn cần 01 màn hình để kiểm tra tín hiệu hình ảnh camera.
3. Kiểm tra lần cuối trước khi thi công
- Lần lượt cắm nguồn cho các camera hoạt động. Bạn có thể kiểm tra camera đã có nguồn hay chưa bằng cách dùng tay che mắt camera (mô phỏng trời tối). Nếu lúc đó đèn hồng ngoại trong camera bật lên thì camera đã được cấp nguồn.
- Cắm tiếp nguồn cho đầu ghi & màn hình. Lưu ý: đầu ghi thường phát ra nhiều tiếng beep liên tục khi ổ cứng bị lỏng dây (kiểm tra lại dây nguồn và dây tín hiệu của ổ cứng trước khi cấp nguồn cho đầu ghi).
=> Kiểm tra hình ảnh: bạn nhìn xem tín hiệu trên màn hình để đảm bảo các camera truyền tín hiệu cho hình ảnh có rõ nét không, có bị nhiễu, bị hạt không.
Note: nếu bước này bạn chưa biết cách cài đặt đầu ghi để xem camera trên điện thoại có thể tham khảo tại đây.
Mẹo khắc phục nhanh một số sự cố nhỏ (nếu có):
HÌNH ẢNH CAMERA BỊ NHIỄU, GIẬT:
- Kiểm tra và đảm bảo các đầu jack kết nối không bị lỏng lẻo, chạm chập.
- Bạn có thể hoán đổi các đoạn dây test (dây 0.5m) cho nhau để kiểm tra lại tín hiệu.
LỖI HIỂN THỊ THIẾU CAMERA TRÊN MÀN HÌNH:
- Có thể dây tín hiệu bị lỏng, camera bị mất nguồn.
- Hoặc đơn giản là do các thiết lập trên đầu ghi chưa đúng (ví dụ bạn có 05 camera nhưng thiết lập màn hình đang cho phép hiển thị 04 camera)
Cách khắc phục rất đơn giản: click chuột phải vào màn hình. Tìm đến phần các tuỳ chọn hiển thị và chọn số ô màn hình phù hợp. Thường đầu ghi sẽ hỗ trợ hiển thị 4, 8 hoặc 12 màn hình (tuỳ loại).
ĐẦU GHI PHÁT TIẾNG KÊU BEEP BEEP (HOẶC TÍT TÍT) LIÊN TỤC:
Lỗi này thường do ổ cứng bị lỏng dây cáp tín hiệu hoặc lỏng dây nguồn.
TÔI KHÔNG BIẾT CÁCH TỰ LẮP CAMERA VÀ THIẾT LẬP ĐẦU GHI HÌNH NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG CÁCH?
- Bạn đừng quá lo lắng. Hầu hết các đầu ghi đều đi kèm sách hướng dẫn sử dụng (user guide, user manual). Bạn chỉ cần đọc và làm từng bước theo hướng dẫn cách lắp camera có dây & thiết lập đầu ghi là được.
- Bạn cũng có thể liên lạc với người bán hoặc để lại comment bên dưới để chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật & từng bước hướng dẫn bạn cách lắp đặt hệ thống camera của mình.
Và bây giờ, sau khi đã kiểm tra và đảm bảo mọi thứ chắc chắn đã vận hành tốt, chúng ta sẽ cùng đến bước thứ 2 trong nội dung hướng dẫn cách lắp camera có dây này nhé.
Bước 3. Hướng dẫn tự lắp camera tại nhà: lắp Đầu ghi, Ổ cứng và Màn hình LCD
Đây sẽ là bước thi công camera vào các vị trí thực tế theo bản thiết kế kỹ thuật mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu tiên.
Ở bước này, Khôi Ngô sẽ hướng dẫn tự lắp camera tại nhà, cách lắp đặt đầu ghi, lắp đặt màn hình theo dõi camera và thứ tự lắp đặt chúng như thế nào để có sự tiện lợi nhất – dựa trên kinh nghiệm thực tế của chúng tôi.
Nếu có thể, nên có 02 người để dễ hỗ trợ nhau lúc thi công, và đảm bảo an toàn hơn (giữ thang khi leo cao, an toàn điện). Các công cụ, dụng cụ như: thang chữ A, máy khoan, vít, tắc kê, giá treo đầu ghi, giá treo màn hình… sẽ cần ở giai đoạn này.
1. Cách lắp camera vào đúng các vị trí cần theo dõi
Hướng dẫn chọn vị trí camera:
Ngoài chất lượng camera thì việc chọn đúng vị trí & cách lắp camera có ý nghĩa khá quan trọng. Ở phần này chúng tôi xin chỉ ra một số mẹo nhỏ giúp bạn chọn một vị trí đặt camera tốt như sau:
- Vị trí cần bao quát: vị trí đặt camera cần có góc nhìn rộng, cao và thông thoáng, không bị khuất tầm nhìn. Độ cao nên từ 2,5m – 3,5m là vừa chừng.
- Bán kính: với các camera phân khúc tầm trung thì khoảng tối đa từ camera đến đối tượng cần theo dõi nên ở khoảng 10m trở lại, nhằm giúp việc giám sát và truy xuất lại hình ảnh được rõ nét hơn. Đặc biệt lưu ý đến tầm xa hồng ngoại để chọn khoảng cách hồng ngoại phù hợp khi trời tối.
- Tránh ngược sáng: dù camera bạn có độ nét cỡ nào thì khi đặt ở vị trí ngược sáng thì hình ảnh luôn bị tối, mờ và không rõ nét. Tốt nhất bạn nên hạn chế tối đa việc hướng camera về vị trí bị ngược nắng.
Tránh đặt camera trong góc quá tối nhìn ra ánh sáng quá mạnh và ngược lại (một số trường hợp đèn hồng ngoại sẽ bật lên vì nhầm tưởng là ban đêm). - Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt hoặc nước mưa (dù bạn đang chọn loại camera ngoài trời với tiêu chuẩn chống bụi & nước IP67).
Nên đặt dưới các góc có mái che. Hoặc nếu phải đặt trực tiếp ngoài trời thì bạn nên chọn mua hộp che camera ngoài trời để bảo quản camera được tốt hơn.
Cách lắp và cố định vị trí camera
Đầu tiên, các bạn sẽ tiến hành tháo rời các bộ phận bên trong camera trước khi tiến hành cố định lên trần nhà hoặc lên tường nhà.
Để làm điều này, các bạn cần hiểu qua kết cấu một số loại camera thông dụng để biết cách tháo & lắp ráp phần vỏ camera.
Có 02 loại camera cơ bản:
- Camera dome: còn gọi là camera dạng cầu, thường dùng ở trong nhà.
- Camera bullet: còn gọi là camera dạng thân, thường dùng ở ngoài trời.
(1) Hướng dẫn tự lắp Camera dome lên trần nhà (hoặc lên tường)
KẾT CẤU CỦA CAMERA DOME:
Camera dome thông thường được cấu tạo từ 04 phần cơ bản như sau:
- Vòng chân đế (mounting base): đế camera, phần sau cùng của camera, dùng để cố định vào tường thông qua 03 lỗ ốc vít (đôi khi sẽ là 4 lỗ ốc vít).
- Vòng trang trí (trim ring): có chức năng để trang trí, để che khuất khu vực bắt ốc vít (che vòng chân đế). Tuỳ từng loại camera khác nhau mà vòng trang trí có thể thiết kế rời hoặc dính chung với vỏ che camera.
- Vỏ che camera (enclosure): phần vỏ che để bảo vệ thân camera bên trong, tránh thân camera va chạm trực tiếp, bảo vệ chống bụi cho các khu vực mạch điện bên trong thân camera.
- Thân camera (camera’s main body): bộ phận chính chứ thấu kính quang học và các chip xử lý của camera. Đây là phần quan trọng nhất của camera.
CÁCH THÁO CAMERA DOME:
Mục đích chúng ta cần tách được vòng chân đế riêng ra để gắn vòng chân đế camera lên tường thông qua 3 lỗ ốc vít bên trong.
Để làm điều này, các bạn sẽ dùng cây cờ-lê lục giác (thường đi kèm với camera hoặc bạn ra tiệm đồ nghề mua thêm) hoặc vít ba-ke để tháo 3 con “ốc liên kết”. “Ốc liên kết” khi tháo rời thì vòng chân đế và thân camera sẽ tách rời ra.
HƯỚNG DẪN GẮN VÒNG CHÂN ĐẾ CAMERA DOME CỐ ĐỊNH LÊN TRẦN NHÀ (HOẶC LÊN TƯỜNG):
Sau khi đã tháo rời vòng chân đế (mounting base), giờ bạn sẽ dùng chính vòng chân đế áp lên tường để lấy dấu và khoan lỗ. Bạn nên dùng bút lông dầu để lấy dấu chính xác, sau đó tuỳ vào vật liệu trần nhà loại gì mà bạn sẽ quyết định có khoan tường hay không nhé.
Nếu là trần thạch cao thì bạn có thể bỏ qua bước này mà có thể gắn vòng chân đế trực tiếp lên trần luôn nhé. Thông thường trong hộp camera nhà sản xuất đã cho bạn 03 chiếc ốc vít kèm sẵn trong đó.
Bước tiếp theo sau khi lấy dấu (hoặc khoan tường & bắt tắc kê), bạn chỉ cần vặn 3 vít để cố định vòng chân đế camera lên trần nhà.
CÁCH LẮP PHẦN THÂN CAMERA DOME TRỞ LẠI:
Việc đơn giản tiếp theo là bạn chỉ cần ráp lại phần thân camera (đã tháo ra khi nãy) vào vòng chân đế. Sau đó vặn lại 03 “ốc liên kết” bằng cờ lê lục giác.
Đục lỗ âm trần (nếu camera gắn trần)
Trước khi gắn toàn bộ camera dome lên trần bạn cần khoét 1 lỗ để về sau bạn sẽ đi dây bên trong nhằm tăng tính thẩm mỹ khi cố định camera dome. Lỗ khoét trần này bạn nên đục với đường kính khoảng 3-4cm. Xem thêm hình minh hoạ bên dưới.
Ghi chú: Nếu tự tin, bước này bạn có thể thực hiện ngay từ đầu (trước khi vặn ốc cố định vòng chân đế lên trần nhà).
Ở các bước đi dây tiếp theo, chúng ta sẽ rải dây và luồn vào camera thông qua lỗ khoét âm trần này.
Việc khoét lỗ âm trần / âm tường chỉ có thể thực hiện trên các vật liệu mềm như: trần thạch cao, trần làm bằng tấm Aluminum (trần Alu), trần nhựa. Nếu trần là là vật liệu cứng như gạch, xi măng (không thể khoét lỗ âm) thì bạn phải tiến hành đi dây nổi cặp bên ngoài camera.
(2) Hướng dẫn tự lắp camera thân (bullet camera) cố định lên trần nhà
Kết cấu của camera bullet:
Về mặt kết cấu camera bullet cũng tương tự như camera dome nhưng đơn giản hơn, cụ thể camera thân (bullet) gồm 02 bộ phận chính như sau:
- Vòng chân đế (mounting base): dùng để bắt lên tường hoặc lên trần.
- Thân camera (ctv camera’s main body): có cấu tạo nguyên khối, không thể tháo rời thêm được nữa.
Tuy nhiên với camera bullet có vòng chân đế nên việc gắn lên khá dễ. Bạn có thể lấy dấu và bắt vít ngay mà không cần mất công tháo ráp. Hãy xem tiếp phần hướng dẫn lắp camera bullet có dây ngay bên dưới.
Hướng dẫn cách lắp camera bullet lên trần hoặc lên tường:
Để gắn camera bullet cố định lên tường / trần nhà thì việc đầu tiên bạn cần duỗi thẳng toàn bộ camera (duỗi toàn bộ phần chân và phần thân thành 1 đường thẳng).
Sau đó bạn áp vòng chân đế camera lên trần và dùng bút lông dầu để lấy dấu 3 lỗ như hình bên dưới. Tùy vào trần nhà là loại gì mà bạn sẽ quyết định có khoan tường và bắt tắc kê hay không nhé. Nếu trần thạch cao thì chỉ cần bắt vít trực tiếp mà không cần khoan lỗ.
Bước cuối cùng, bạn dùng 3 vít vặn cố định phần chân đế camera bullet lên trần / tường là xong.
CHÚ Ý PHẦN KHOÉT LỖ ÂM TRẦN / TƯỜNG:
Tương tự như hướng dẫn ở phần khoét lỗ cho camera dome, bạn cần khoét 1 lỗ có đường kính từ 2-3cm để về sau đi dây chúng ta sẽ luồn dây vào bên trong lỗ này.
2. Hướng dẫ lắp đặt đầu ghi cố định lên tường
Chọn vị trí hợp lý để cố định đầu ghi
Quan trọng bạn nên chọn vị trí đặt đầu ghi ở những nơi thoáng mát (tránh quá nhiệt) và an toàn, tránh bị người khác lấy mất. Ngoài ra nên chọn vị trí đầu ghi đặt gần khu vực gắn màn hình LCD theo dõi (nếu có) để dễ đi dây HDMI nối từ đầu ghi về màn hình LCD theo dõi. Độ dài dây HDMI thông dụng trên thị trường khoảng 2,5m.
Đầu ghi là nơi hội tụ rất nhiều dây tín hiệu từ camera kết nối về. Vì vậy nên chọn vị trí đặt đầu ghi sao cho dễ kéo cáp, dễ thao tác về sau. Tuyệt đối không nên chọn khu vực có dây điện chằng chịt, leo cao… Dẫn đến nguy cơ rủi ro điện giật khi bạn thao tác bấm đầu dây cáp, hoặc khi kiểm tra, sửa chữa đầu ghi về sau.
Cách lắp ổ cứng HDD vào đầu ghi
Bạn mở nắp đậy đầu ghi camera và bắt ổ cứng cố định vào trong camera. Kết nối 02 cáp SATA (cáp tín hiệu) và cáp nguồn cho ổ cứng (xem hình).
Cố định đầu ghi camera lên tường
Tùy vào địa thế và ý thích của mình bạn có thể đặt đầu ghi ở vị trí nào thuận tiện cũng được. Có thể đặt trên đầu tủ, góc nhà hoặc phía trên trần thạch cao… miễn sao đó là nơi thông thoáng, không nên gần các khu vực nhiều dây điện, vật liệu dễ cháy nổ vì đầu ghi sẽ phát nhiệt trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên nếu muốn gọn gàng hơn, bạn có thể tham khảo 03 cách lắp đầu ghi cố định lên tường như sau:
Sau khi ổn định vị trí đầu ghi, bạn nhớ gắn con chuột (Mouse) vào cổng USB của đầu ghi để lát nữa sẽ cài đặt đầu ghi.
3. Cách lắp đặt màn hình theo dõi, quan sát
Nếu khi cố định đầu ghi bạn chọn phương án 2 (kệ đơn giản với 2 pát ê-ke), bạn có thể chọn loại màn hình LCD có chân đặt ngay trên đầu ghi.
Hoặc nếu là loại màn hình lớn 32 inches trở lên, bạn có thể gắn màn hình camera trực tiếp lên tường (thông qua bộ chân sắt màn hình).
CÁCH LẮP CAMERA VÀO TIVI LCD
- Kết nối dây HDMI đầu ghi camera và Tivi hoặc màn hình LCD.
- Trên Tivi chọn chế độ ngõ vào hình ảnh đúng.
Ok, hãy nghỉ xả hơi 10p trước khi chúng ta bước vào phần tiếp theo: Hướng dẫn cách đi dây tín hiệu và dây nguồn cho hệ thống camera.
Bước 4. Đi hệ thống dây tín hiệu và dây nguồn cho camera
Công đoạn đi dây tuy không khó nhưng là khâu mất nhiều thời gian nhất. 90% khối lượng công việc nằm ở giai đoạn đi dây và bấm đầu cáp. Việc đi dây ngoài đảm bảo kỹ thuật thì chúng ta cần đảm bảo có sự thẩm mỹ cho không gian chung.
Dưới đây tôi sẽ hướng dẫn bạn cách từng bước đi dây tín hiệu và dây nguồn cho các camera.
1. Xác định đường đi cho cáp tín hiệu:
Đây là việc bạn cần phải khảo sát kỹ vì nó ảnh hưởng đến chiều dài dây và biện pháp thi công.
Tùy địa hình thực tế mà dây có thể đi men theo tường, đi âm trần, đi phía tường ngoài nhà và khoan tường chui dây vào. Với người mới tự tìm hiểu cách lắp camera có dây thì bạn cần khảo sát kỹ phương án chạy dây tín hiệu cho từng con camera.
2. Xác định vị trí lấy nguồn điện 220V:
Tùy vào địa hình thực tế mà bạn sẽ chọn từng vị trí lấy nguồn cho từng camera. Lưu ý là không được lấy nguồn sau công tắc (ví dụ ai đó tắt đèn thì camera sẽ tắt theo). Vị trí lấy nguồn nên gần camera nhất có thể (để tiết kiệm dây nguồn).
3. Đo và cắt dây:
Ở 2 bước trên bạn đã xác định được khoảng cách giữa các camera & đầu ghi, khoảng cách giữa camera & nơi lấy nguồn gần nhất. Giờ bạn tiến hành đo và cắt thành các đoạn dây cáp & dây nguồn phù hợp với khoảng cách đó. Lưu ý: luôn luôn trừ hao (cắt dư ra) khoảng 10-20%.
LƯU Ý
Khoảng cách tối đa của dây cáp: với các camera đời mới hiện nay, bạn có thể kéo dây xa 300m mà tín hiệu vẫn tốt (kể cả dây cáp mạng hoặc dây cáp đồng trục). Tuy nhiên, khi kéo xa trên 50m bạn cần chọn mua cáp tín hiệu loại tốt để tránh rắc rối việc tín hiệu camera về sau bị nhiễu, hình ảnh bị sọc, bị giật…
Không nên nối cáp: việc nối cáp nên hạn chế tối đa. Các mối nối về sau tiếp xúc đồng sẽ bị hoen gỉ, đóng muối (dân trong nghề gọi là đóng chấu), sẽ làm tín hiệu camera bị nhiễu. Nếu mối nối đó bạn đi ở những chỗ khó thi công (âm tường, âm trần) thì về sau sẽ rất khó để khắc phục, tốn kém.
4. Rải dây, đi dây & bó dây
Sau khi cắt dây, bạn và người hỗ trợ sẽ tiến hành rải dây dưới nền nhà theo vị trí dự định đi dây. Kiểm tra về độ dài, khoảng cách lại một lần nữa rồi tiến hành đi dây.
MẸO:
- Khi đi dây, luồn dây ở những vị trí cao, nên có người hỗ trợ giữ chân thang và lấy đồ nghề.
- Nếu đường dây đi chung với nhau, bạn nên dùng dây gút (lạt nhựa) để bó chặt các cụm dây lại với nhau cho gọn gàng.
- Nếu chạy dây trong máng điện nhựa, nên đi máng điện trước khi chạy dây. Dùng băng keo 2 mặt dán dính các máng điện nhựa vào tường. Sau đó chạy dây vào bên trong.
- Nếu đi dây trong ống ruột gà: cần có 2 người để hỗ trợ luồn dây cho nhanh (ống ruột gà xoắn luồn dây sẽ khá lâu). Hoặc bạn có thể mua bộ dây luồn để làm nhanh khâu này.
Như vậy, chúng ta đã hoàn thành xong phần đi dây.
Bước 5. Đấu nối các đầu cáp tín hiệu và Jack nguồn camera
1. Bấm các đầu cáp tín hiệu (Jack BNC/RJ45)
Có 02 đầu jack tín hiệu thông dụng trên thị trường.
- Jack BNC: chuyên dùng cho cáp đồng trục để kết nối các hệ thống camera Analog
- Jack RJ45: chuyên dùng cho cáp mạng (CAT5/CAT6) để kết nối các hệ thống camera IP.
(1) Cách bấm đầu Jack BNC:
Có nhiều loại đầu BNC trên thị trường như Jack BNC lò xo, BNC chân vuông… nhưng thông dụng và dễ sử dụng nhất đó là loại BNC kết hợp với chuôi F5 (như hình trên). Sở dĩ nó dễ sử dụng vì loại này bạn không cần sử dụng kềm bấm chuyên dụng nào cả, mà chỉ cần có dao hoặc kéo là đã có thể tuốt dây và gắn vào rất nhanh chóng.
HƯỚNG DẪN CÁCH LẮP ĐẦU JACK BNC VÀO CÁP ĐỒNG TRỤC:
- Bước 1: dùng dao hoặc kéo tách lớp vỏ nhựa bảo vệ ra khoảng 2cm.
- Bước 2: vuốt toàn bộ lớp dây chống nhiễu ra phía sau. Đồng thời tách thêm lớp vỏ nhựa bên trong ra khoảng 1,5cm (để lộ lớp lõi đồng nhỏ bên trong khoảng 1,5cm).
- Bước 3: Vặn chuôi F5 từ từ vào phần dây chống nhiễu (đã vuốt ra sau ở bước 2).
- Bước 4: Dùng Jack BNC vặn tiếp vào. Jack BNC sẽ khớp với ren của chuôi F5 tạo thành 1 khối dài. Sau đó nếu kỹ bạn nên quấn băng keo điện để chống ẩm phần đuôi (như hình trên).
(2) Cách bấm đầu Jack RJ45
Jack RJ45 là loại đầu jack rất thông dụng và phổ biến dùng cho hệ thống internet. Tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều loại đầu Jack RJ45 dỏm, sau khi bấm tín hiệu bị yếu hoặc chậm chờn.
Vì vậy chúng tôi khuyến khích các bạn nên sử dụng loại đầu jack bằng kim loại, hoặc bằng nhựa loại tốt. Loại tốt thường có giá khoảng 3.500 – 5.000 đồng/1 chiếc.
HƯỚNG DẪN BẤM ĐẦU CÁP RJ45:
- Bước 1: Tách vỏ nhựa bảo vệ ra 1 đoạn khoảng 2,5cm.
- Bước 2: Tách dây ra thành 04 cặp màu như hình trên.
- Bước 3: Sắp xếp dây lần lượt theo đúng thứ tự màu như sau:
1. {Trắng cam}
2. {Cam}
3. {Trắng xanh lá}
4. {Xanh dương}
5. {Trắng xanh dương}
6. {Xanh lá}
7. {Trắng nâu}
8. {Nâu}
=> Xem hình ở bước 3 phía trên để sắp đúng thứ tự màu. Lưu ý: các loại cáp mạng chất lượng kém sẽ không thể phân biệt màu rõ ràng, vì vậy bạn nên chọn mua loại cáp mạng có chất lượng tốt.
=> Sau khi sắp đúng thứ tự, bạn dùng kéo cắt bỏ đi 1 đoạn khoảng 1mm cho bẹ dây ngay ngắn và thẳng hàng, chuẩn bị đưa vào jack RJ45 ở bước tiếp theo. - Bước 4: Cẩn thận và từ từ đưa bẹ dây vào Jack RJ45. Và cài luôn phần vỏ dây vào sâu trong phần Jack RJ45 (như hình bước 4 ở trên)
Chú ý: sau khi đưa vào bạn hãy kiểm tra lại, đảm bảo thứ tự màu của 08 sợi dây không bị đảo lộn. - Bước 5: Dùng kềm bấm chuyên dụng và bấm lại đầu Jack RJ45 sao cho thật chắc chắc. Đảm bảo phần vỏ dây được ngậm vào phần ngàm của Jack RJ45 (xem hình dưới).
2. Cách đấu Jack nguồn cho camera
Trường hợp 1: Khi đấu nguồn 220V gần vị trí camera
Nếu vị trí camera thuận lợi gần nguồn điện 220V, bạn có thể lấy nguồn và dẫn vào 1 thiết bị gọi là hộp nguồn kỹ thuật camera.
Hộp nguồn kỹ thuật là gì?
Hộp nguồn kỹ thuật còn gọi là hộp liền nguồn camera. Hộp kỹ thuật có cấu tạo là 1 chiếc hộp nhựa hình vuông khoảng 15cm để bạn có thể đặt trọn bộ nguồn và các đầu jack nối vào đó. Chúng giúp chống bụi, chống ẩm cho nguồn, bảo vệ nguồn và chống gỉ sét cho các đầu jack kết nối. Đôi khi một số hộp nguồn kỹ thuật được bán sẵn kèm với nguồn adaptor ở bên trong.
Chọn hộp nguồn kỹ thuật camera loại nào tốt?
Bạn nên chọn loại có thương hiệu tốt để đảm bảo hộp có độ kín và chống nước, chống ẩm tốt. Về công suất, nên chọn loại có nguồn sẵn từ 1,5A trở lên để giúp camera vận hành ổn định và tăng tuổi thọ cho camera.
Nguồn công suất kém là nguyên nhân của các hiện tượng như: camera bị nhiễu, tín hiệu chập chờn, mất nét… do camera bị sụt áp khi hoạt động. Về lâu dài sẽ làm camera rất mau hỏng.
Trường hợp 2: Khi đấu nguồn 220V xa vị trí camera
Nếu camera đặt tại vị trí không gần nguồn 220V, lúc này bạn phải lấy nguồn từ xa. Do vậy trường hợp này bạn cần một đoạn dây nối (sử dụng loại dây đỏ – đen) và có thể đi cặp chung với dây tín hiệu.
Các bước nối Jack nguồn 12V cho camera:
- Bước 1: Cắt đôi phần hộp nguồn và phần chuôi cắm nguồn 12V (xem hình minh họa bên dưới).
- Bước 2: Đấu nguồn 220V đầu vào (tại vị trí khảo sát thuận lợi để lấy nguồn).
- Bước 3: Đấu nguồn 12V đầu ra cho camera.
LƯU Ý KHI NỐI JACK NGUỒN 12V:
Trong mọi trường hợp, bạn cần phải nối đúng màu (đỏ nối với đỏ, trắng nối với trắng) và kiểm tra kỹ không được nhầm.
Nếu lộn cực âm thành cực dương, có khả năng camera sẽ bị cháy ngay khi cắm điện.Khi đấu nguồn 220V: nên tắt CB tổng khi đấu nguồn 220V để đảm bảo an toàn cho bạn.
Như vậy là các bước hướng dẫn lắp đặt phần cứng, đi dây xem như xong. Bước tiếp theo chúng ta sẽ cắm điện và đưa hệ thống camera vào hoạt động.
Bước 6. Vận hành hệ thống camera & Kiểm tra lần cuối
TRƯỚC KHI CẮM ĐIỆN VẬN HÀNH:
- Kiểm tra đảm bảo hệ thống camera đã đấu nối đúng với thiết kế sơ đồ kết nối ban đầu (quan trọng).
- Đảm bảo các mối nối điện đã được quấn băng keo cách điện kỹ càng (quan trọng).
- Kiểm tra và đảm bảo các đầu jack BNC/RJ45 đã đấu hết vào các camera.
- Kiểm tra các jack nguồn 12V đã đã cắm hết vào camera.
- Đảm bảo đầu ghi đã gắn ổ cứng HDD bên trong.
- Đảm bảo đã cắm cáp HDMI nối giữa đầu ghi và màn hình. Màn hình phải đang bật chế độ nhận tín hiệu từ cổng HDMI (HDM input).
1. Cắm điện và vận hành hệ thống camera
Hãy bật điện và cấp nguồn cho tất cả các thiết bị như: đầu ghi, màn hình và các camera.
Đầu ghi sẽ khởi động khoảng 30 giây, cứ để mọi thiết lập của đầu ghi ở trạng thái mặc định của nhà sản xuất.
2. Kiểm tra & các thiết lập cơ bản trên đầu ghi
Kiểm tra xem tín hiệu video trên màn hình xem mọi thứ đã ok chưa, hình ảnh có rõ nét không, tín hiệu có bị nhiễu không. Nếu hình ảnh không lên hay có gì bất thường hãy xem lại phần “Mẹo khắc phục nhanh một số sự cố nhỏ của đầu ghi” mà chúng tôi đã đề cập ở bước 2 trên.
Dùng chuột quang (mouse) để thiết lập lại số khung video sẽ hiển thị trên màn hình LCD: Click phải và chọn lại số khung hiển thị tương ứng với tổng số camera mà bạn đã lắp đặt vào hệ thống.
CÁC THIẾT LẬP NÂNG CAO TRÊN ĐẦU GHI CAMERA
Để thiết lập các tùy chọn nâng cao trên đầu ghi, bạn nên đọc sách hướng dẫn sử dụng (kèm trong đầu ghi). Bạn sẽ tùy chỉnh thêm được một số tùy chọn như sau:
- Thiết lập password cho đầu ghi (không cho người khác truy cập trái phép)
- Thiết lập chất lượng video lưu trữ trong HDD. Lưu ý rằng khi chọn độ phân giải càng cao thì ổ cứng HDD sẽ càng mau đầy.
- Thiết lập khung thời gian nào sẽ lưu trữ video (mặc định đầu ghi sẽ lưu video 24/24).
- Thiết lập các chế độ nâng cao khác như: báo trộm, báo động, còi hú, tin nhắn, phân vùng báo động… Các tùy chọn này sẽ khác nhau tùy mỗi loại đầu ghi.
Bước 7. Cố định lại các đường cáp, kiểm tra & vệ sinh rác
Sau khi đảm bảo hệ thống camera đã được đấu nối đúng kỹ thuật, vận hành tốt, các thiết lập đúng, hệ thống đã hoàn chỉnh… thì giờ là bước các bạn cần kiểm tra và vệ sinh toàn bộ hệ thống.
CÁC CÔNG VIỆC CẦN THỰC HIỆN:
- Kiểm tra và cố định các bó dây cáp, cho vào nẹp điện hoặc cố định chắc chắc bằng dây gút (lạc nhựa) thật kỹ càng.
- Đậy tất cả các nắp đậy mà bạn mở ra lúc thi công như: nắp trần thạch cao, hộp điện, hộp nguồn kỹ thuật camera (hộp liền nguồn)
- Cố định lại nẹp điện hoặc các bộ phận còn lỏng lẻo.
- Kiểm tra và quấn băng keo các phần dây tiếp xúc ngoài trời. Đảm bảo nước mưa không thấm vào các mối nối dây cáp tín hiệu hoặc dây nguồn…
- Kiểm tra tính thẩm mỹ của toàn bộ công trình lần cuối.
- Thu gom rác, vệ sinh và dọn dẹp đồ nghề.
Bước 8. Cách cài đặt đầu ghi để xem camera qua internet (không cần tên miền)
GHI CHÚ QUAN TRỌNG:
Cách thiết lập này sẽ rất khác nhau tùy từng hãng sản xuất đầu ghi và tùy mỗi model đầu ghi cũng sẽ rất khác nhau. Vì vậy những phần chúng tôi hướng dẫn bên dưới thuộc dạng “nguyên tắc chung”, tức có thể giao diện màn hình mỗi đầu ghi có thể khác nhau, tuy nhiên các bước về cơ bản vẫn sẽ giống nhau.
Hãy thao khảo thêm “sách hướng dẫn sử dụng đầu ghi” để có hướng dẫn chính xác nhất có thể nhé các bạn.
Các loại đầu ghi đời mới khoảng vài năm gần đây đều có hỗ trợ công nghệ P2P (point to point). Với công nghệ này bạn có thể thiết lập cho đầu ghi kết nối internet mà không cần nhiều công đoạn phức tạp như mở port cho moderm, cấu hình tên miền động…
Phần dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn kết nối đầu ghi xem qua điện thoại (từ môi trường internet bên ngoài).
Trong ví dụ dưới đây, chúng tôi sẽ minh họa bằng cấu hình trên đầu ghi hãng KBVision kết nối với màn hình Tivi, các loại đầu ghi khác có nguyên lý cũng tương tự.
Các bước cài đặt đầu trên đầu ghi:
Đầu tiên, đảm bảo bạn đã kết nối cáp mạng từ đầu ghi đến modem (thông qua 2 đầu Jack RJ45). Dung chuột để tiến hành các bước cài đặt trên đầu ghi như sau:
Bước 1: Vào phần main menu trên đầu ghi
Tại màn hình đầu ghi (hiển thị trên Tivi LCD), bạn click chuột phải vào giữa màn hình. Sau đó chọn mục “Main Menu”
Bước 2: Thông tin đăng nhập đầu ghi
Nhập username: admin; và password mặc định là: 123456, sau đó chọn OK.
Bước 3: Cài đặt
Tại màn hình tiếp theo, chọn mục “Setting”
Bước 4: Cài đặt Network
Chọn tiếp mục “Network”
Bước 5: Bật DHCP
Đảm bảo mục DHCP đã được bật (dấu tick màu xanh).
Điều này có nghĩa rằng camera sẽ được cấp địa chỉ IP tự động từ modem.
Bước 6: Cấu hình P2P (xem camera không cần tên miền DNS)
Chọn tiếp mục “P2P”, kích hoạt lựa chọn “Enable P2P”.
Một màn hình QR Code sẽ hiện lên như sau:
OK, như vậy là xong phần thiết lập cài đặt trên đầu ghi. Bạn cứ để màn hình như vậy, chờ 1 lát nữa ta sẽ dùng điện thoại để scan QR Code này.
=> Bây giờ ta chuyển qua phần cài đặt ứng dụng xem camera trên điện thoại để tiến hành quét QR Code này nhé!
Bước 9. Cách cài đặt trên điện thoại để xem camera từ xa qua internet
Các bước cài đặt phần mềm xem camera trên điện thoại
Bước 1: Tải phần mềm về điện thoại
Trên điện thoại, bạn vào CHPlay (hoặc AppStore) để tải ứng dụng xem camera tương ứng với hãng camera đó về máy.
Trong phần hướng dẫn dưới đây, chúng tôi sẽ minh họa trên phần mềm KBView Lite chuyên dành cho camera hãng KBVision (Link tải: CHPlay | Appstore)
Bước 2: Mở phần mềm lên, chọn mục “Camera”
Bước 3: Vào tiếp mục “Quản lý thiết bị”
Tại màn hình Xem trực tiếp chọn nút Menu (hình 3 dấu gạch bên góc trái). Trong menu xổ ra bạn chọn tiếp mục “Quản lý thiết bị”.
Bước 4: Vào mục “P2P”
Tại trang Quản lý thiết bị, bấm vào dấu cộng (góc phải) và chọn tiếp mục “P2P”
Bước 5: Thiết lập các thông số P2P
Tại giao diện trang P2P, bạn thiết lập các thông số như sau:
- Tên: bạn đặt tên bất kỳ (có thể lấy tên bạn hoặc tên công ty cũng được).
- SN: viết tắt của chữ “serial number”. Bạn không cần nhập số serial của đầu ghi mà hãy click vào biểu tượng bên phải để scan QR code. Tiếp theo, giao diện QR code sẽ hiện ra như sau:
=> Lúc này bạn đưa điện thoại vào màn hình Tivi (đang chờ khi nãy ở bước 6) để quét mã QR code :
Sau khi quét QR code thì tự động mục “SN” sẽ tự động hiển thị một dãy số (là số serial number của đầu ghi).
- Tên đăng nhập: nhập username của đầu ghi (mặc định là admin). Giống như bước 2 tại phần cài đặt đầu ghi.
- Mật khẩu: nhập password của đầu ghi (mặc định là 123456).
- => Click tiếp nút “BẮT ĐẦU XEM TRỰC TIẾP”.
» Nếu mọi việc suông sẻ, kết quả cài đặt camera xem trên điện thoại sẽ như sau:
Bạn có thể bấm các nút tùy chọn hiển thị ở góc dưới màn hình điện thoại như: số khung hình hiển thị, chụp ảnh, ghi hình, cài đặt thời gian ghi hình, zoom, xoay (nếu camera có hỗ trợ)…
Chúc mừng bạn, như vậy phần hướng dẫn cách lắp camera có dây chi tiết tới đây là kết thúc!
Lời kết
Hy vọng qua nội dung bài viết khá dài về Hướng dẫn cách lắp camera có dây toàn tập, Khôi Ngô Security hy vọng đã giúp các bạn nắm vững các bước cơ bản để các bạn có thể tự lắp camera tại nhà cho mình rồi phải không nào? Chúc các bạn thành công!